Lịch sử Khuông_nhạc

Hệ thống văn bản nhạc phương Tây sơ khai thời Trung cổ được viết bằng các dấu neume, chưa thể hiện chính xác cao độ mà chỉ thể hiện được hình dáng của giai điệu (sự lên xuống của dòng nhạc). Có lẽ cách ký hiệu này được dùng cho mục đích giúp ghi nhớ các giai điệu mà người xưa học vẹt lại.

Trong thời kỳ từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 11, có nhiều hệ thống ký nhạc ra đời nhằm làm rõ hơn cao độ, chẳng hạn hệ thống diastematic neume: độ cao của neume trên trang giấy ứng với cao độ tuyệt đối của nó (các bản chép Longobardi và Beneveto ở Ý cho thấy người xưa dùng kỹ thuật này khoảng năm 1000). Ngoài ra trong một số ít các bản chép tay thời xưa còn có hệ thống ký nhạc theo chữ đôi, trong đó sử dụng các chữ cái để ghi nốt nhạc giống với cách thức hiện đại nhưng vẫn gắn kèm với neume. Tuy nhiên, có khá nhiều bản chép tay sử dụng một hoặc nhiều đường kẻ ngang để chỉ các cao độ khác nhau.

Đoạn trích từ tác phẩm dành cho nhạc cụ phím của William Byrd, 1591, trong đó vẽ khuông nhạc có sáu dòng kẻ

Chuyên luận Musica enchiriadis (năm 900) sử dụng cách ký hiệu Daseia để chỉ rõ các cao độ. Cách ký hiệu như ngày nay bắt nguồn từ Guido d'Arezzo (s.990 - m.1050), và khuông nhạc bốn dòng kẻ của ông hiện vẫn còn được sử dụng trong các ấn phẩm tháng ca Gregoriano mặc dù đã bỏ đi cách dùng màu đỏ và màu vàng mà d'Arezzo đề ra. Khuông nhạc năm dòng kẻ xuất hiện ở Ý vào thế kỷ 13. Đến cuối thế kỷ 16 vẫn tồn tại song song các loại khuông nhạc gồm bốn, năm và sáu dòng kẻ.[4]